Nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đèo Khau Phạ đi qua nhiều địa danh nổi tiếng về du lịch của tỉnh Yên Bái như: La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… ở độ cao trung bình từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển. Do đèo luôn có mây mù bao phủ, đỉnh núi cao 2.088 mét như nhô lên trên biển mây, nên đồng bào dân tộc Thái xưa kia gọi là "Khau Phạ", dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là "Sừng trời".
Từ thành phố Yên Bái, ngược theo quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua xã Tú Lệ, đèo Khau Phạ huyện Mù Cang Chải hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng. Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H'Mông, Thái.
Khau Phạ là khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn với Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Trải qua 30 cây số vòng vèo uốn lượn tính từ chân đèo đến cuối Khau Phạ, chỗ cao nhất của đỉnh nằm ở độ cao 1.200m sẽ cho con người chạm tới “linh hồn” của Khau Phạ huyền bí. Đó chính là mây trời trắng xoá và đặc quánh bám quanh, ôm ấp những đỉnh núi, hàng cây, hoa lá. Ở nơi đây, đất trời như hoà làm một. Âm hưởng khèn Mông vang đâu đây như khiến con người lạc vào xứ sở thần tiên.
Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang chín vàng nương . Đây là thời điểm được nhiều khách du lịch lựa chọn để chinh phục đèo và ngoạn cảnh. Ngoài ra, đến đây, du khách còn được ngắm những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già nguyên sơ, hoang dã. Trong rừng còn lưu giữ và bảo tồn nhiều loại động, thực vật quý như: vượn đen tuyền, voọc xám; thông dầu, chò chỉ và các loại chim muông, thú quý hiếm khác.
Không chỉ là một cung đường đèo nổi tiếng trong du lịch, địa danh Khau Phạ còn gắn liền với những chiến công được ghi trong lịch sử cách mạng tỉnh Yên Bái: Trước năm 1945, đội du kích Khau Phạ đã lợi dụng địa hình và nương theo mây gió quánh đặc trên đèo, "xuất quỷ nhập thần" liên tục đánh chặn các cuộc hành quân của thực dân Pháp từ Nghĩa Lộ đi Lai Châu, Lao Cai và ngược lại bằng súng kíp hoặc bẫy đá, khiến quân Pháp hãi hùng kiêng nể gọi là "những chiến binh mây mù". Hiện nay, Yên Bái đang làm hồ sơ di tích, dựng tượng đài tưởng niệm Đội du kích Khau Phạ trên đỉnh đèo.
0 nhận xét | Viết lời bình